Thưởng thức bánh trung thu cùng với uống trà là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Tuy nhiên, tùy từng loại bánh mà bạn nên chọn loại trà phù hợp để sự kết hợp này trở nên tinh tế, hoàn hảo hơn.
Khi thưởng thức bánh trung thu, nhiều người thường pha một ấm trà để nhâm nhi, cảm nhận sự hòa quyện vị ngọt, béo, bùi của bánh với vị hơi chát, ngọt hậu của trà. Theo bác sĩ Bùi Thị Trà Vi – Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sự kết hợp này không chỉ là thói quen ẩm thực mà còn mang lại lợi ích về sức khỏe. Vị chát của trà giúp làm dịu vị ngọt đậm và béo của bánh trung thu, giúp mọi người cảm thấy đỡ ngấy. Bên cạnh đó, các hoạt chất có trong trà xanh như caffeine và catechin có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giảm mỡ.
Hiện nay ngoài nhân thập cẩm truyền thống, bánh trung thu có rất nhiều loại nhân với vị mặn ngọt khác nhau. Để sự kết hợp giữa trà và bánh trở nên hoàn hảo, tinh tế hơn, anh Nguyễn Cao Sơn chuyên gia về đồ uống, thành viên Hội đầu bếp Hoàng gia Việt Nam gợi ý, khi ăn bánh trung thu có vị ngọt đậm cách lý tưởng là kết hợp với trà xanh, trà đen, và trà bạc hà. Trà xanh và trà bạc hà tươi mát sẽ cải thiện quá trình chuyển hóa glucose, để ngăn chặn quá nhiều đường tồn tại trong cơ thể.
Với bánh trung thu nhân thịt trứng, nhiều dầu mỡ, thì trà phổ nhĩ, trà hoa cúc là một sự kết hợp tốt vì nó trợ giúp tốt cho việc giảm béo. Bên cạnh đó, trà hoa cúc có chức năng giảm hiệu ứng nhiệt bên trong, thanh lọc cơ thể.
Đối với các loại bánh trung thu có vị mặn ngọt nhẹ, uống trà ô long là một sự lựa chọn tốt. Bởi trà ô long thúc đẩy bài tiết axit dạ dày và giúp hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế hấp thu chất béo. Uống trà ô long trong đêm thu là sự lựa chọn tinh tế lại ít gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
“Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ bình” đó là 4 yếu tố để có một ấm trà ngon. Nước pha trà nên dùng loại nước tinh khiết. Trà nên chọn loại có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ấm pha trà nên chọn loại ấm bằng đất nung, ấm sứ hoặc thủy tinh để không bị lẫn mùi vị của trà.
Anh Nguyễn Cao Sơn chia sẻ, khi pha trà, bạn nên đun sôi nước sau đó để nhiệt độ nước hạ xuống khoảng 80 – 85 độ C. Sau khi tráng ấm chén thì cho lượng trà vừa đủ vào ấm. Ví dụ 4-6 người thì pha khoảng 8g trà, nếu nhiều người hơn thì thêm vài gam. Đổ nước vào ấm để tráng trà và đánh thức trà sau đó gạn bỏ nước này. Tiếp tục châm nước vào bình trà và ủ trà chừng 40-60 giây. Nước đầu tiên rót ra chén tống hoặc phân chia trà ra các chén nhỏ. Nước thứ hai lại tiếp tục ủ chừng 50-60 giây và tiếp tục rót đều ra các chén, như vậy nước sẽ có màu sắc đẹp và hương vị đồng đều, ổn định. Trà pha xong nên uống ngay, không nên để quá lâu.
Còn gì thú vị hơn khi được quây quần bên những người thân yêu, cùng thưởng thức bánh trung thu và nhâm nhi chén trà ấm nóng?! Chỉ đơn giản thế thôi nhưng cũng tạo nên một Trung thu thảnh thơi, viên mãn.
theo: Ánh Tuyết/VOV2