Dân gian có câu nói Ăn Bắc mặc Kinh. Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch, thanh lịch trong từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Và ngay trong nét ẩm thực, người Hà Nội cũng thể hiện sự trang trọng và tinh tế. Món ăn của vùng đất kinh kì này có thể nói là không lẫn vào đâu được trong vô vàn những món ngon trên khắp mọi miền đất nước.

Đất Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nhiều đặc sản. Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch, sành ăn, sành mặc, sành chơi. Những món ngon nơi đây đã đi vào ca dao, sống trong tâm thức, tình cảm mỗi người và được lưu truyền qua nhiều thế hệ:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn

Hay:

Rau muống Đồng Lầm, cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây

Rượu Kẻ Mơ, cờ Mộ Trạch…

Trong các phố phường Hà Nội xưa có đến hàng chục tên phố gắn liền với những mặt hàng, sản vật liên quan đến chuyện bếp núc, ăn uống: Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Khoai, Hàng Đường, Hàng Đậu, Chợ Gạo, Hàng Bún, Hàng Rươi, Chả Cá, Hàng Cá, Hàng Gà, Hàng Bột, Hàng Cháo… Đây cũng là điều thật ít thấy ở các đô thị khác. Vùng ngoại thành cung cấp lương thực, thực phẩm, rau xanh, nguyên liệu để làm nên những món ngon của Hà Nội từ xưa cũng có khá nhiều làng nghề (đúng hơn là làng có nghề) chế biến nông sản, thực phẩm hoặc trồng những cây đặc sản cung cấp cho Hà Nội: Tứ Kỳ, Phú Đô làm bún, Mai Động làm đậu phụ, Tương Mai làm xôi lúa, Thanh Trì làm bánh cuốn, làng Vòng (Dịch Vọng) làm cốm, làng Lủ (Kim Lũ) làm kẹo…, làng Quỳnh có giống mướp hương, rồi cam Canh, bưởi Diễn, hồng xiêm Xuân Đỉnh v.v… Đó là những món ngon dân dã, những thứ quả, quà bình dị mang những nét riêng của một vùng văn hóa.

Người Hà Nội không chỉ ăn cho no, họ còn muốn (và biết) ăn ngon, ăn vui, ăn đẹp. Sự tinh tế không chỉ ở khẩu vị mà còn ở việc chọn lựa khung cảnh ăn uống, cách thức ăn uống – món nào “đi với” món ấy, món này thì ăn thế ấy, mùa nào thức ấy, thậm chí giờ nào thức ấy… Nhiều khi chỉ qua những chi tiết nhỏ, cả người ăn và người nấu ăn cùng thể hiện những nét tinh tế trong văn hóa ăn uống. Đậu Mơ rán nóng, nở phồng, chấm với mắm tôm, ăn cùng vài “con” bún Tứ Kỳ hoặc bún Phú Đô, nhất thiết phải có vài nhánh kinh giới mới nổi vị. Nước mắm Vạn Vân (chấm với) cá rô đầm Sét v.v… Mỗi thứ làm nên món ngon chỉ cần một chút, gia vị nêm vào cũng chỉ một chút, điều chỉnh nước, lửa cũng chỉ thêm, bớt một chút, cả bữa cũng chỉ ăn một chút… nhưng để có “một chút” đó là cả một nghệ thuật, biết bao năm kinh nghiệm được chắt lọc từ một bề dày văn hóa.

Người Hà Nội lịch lãm và hiểu biết, đã và vẫn coi chuyện ăn uống là một cách thể hiện những thú vui và sở thích, những điểm nhấn cá tính và phong cách của mình. Cái gu thưởng thức nhạy cảm và tinh tế trong văn hóa ẩm thực vẫn luôn là một nét đẹp riêng của người dân nơi đây./.